Apple giới thiệu chiếc MacBook hoàn toàn mới của họ vào tối hôm qua thậm chí còn phần nào làm lu mờ đi Apple Watch, nhân vật chính của buổi lễ giới thiệu. MacBook 12" có nhiều thay đổi mang tính tích cực như nhẹ chưa tới 1kg, mỏng hơn đáng kể, loại bỏ quạt tản nhiệt và màn hình Retina cùng một số đặc điểm chưa hẳn làm hài lòng nhiều người: chỉ có duy nhất một cổng USB-C cho cả sạc và kết nối, RAM bị giới hạn ở 8GB và giá khá cao: từ 1299$. Trong bài viết này thì mình sẽ cố gắng làm rõ một số thông tin mà Apple không nhắc nhiều cũng như một số thông tin chưa rõ ràng trong buổi lễ giới thiệu hôm qua.
Thông tin từ Apple cho biết MacBook 12" sử dụng tấm nền IPS cho góc nhìn rộng hơn, lên tới 178 độ. Tức là nếu bạn coi phim gì nhạy cảm thì cần phải che lại nếu không người bên cạnh sẽ nhìn thấy rất rõ ràng với màu sắc không bị giảm nhiều so với vị trí nhìn trực diện. Thông tin cho biết Apple cố gắng gom nhiều lớp màn hình lại với nhau để làm cho toàn bộ màn hình chỉ còn mỏng 0.88mm, mỏng nhất trong số tất cả các máy tính có màn hình Retina của hãng từ trước đến nay.Với việc sử dụng độ phân giải 2304x1440, một độ phân giải mới hoàn toàn trên MacBook và một mật độ điểm ảnh khá cao so với máy tính là 226ppi thì Apple phải xử lý vấn đề đèn nền sao cho mỏng hơn mà vẫn cung cấp đủ độ sáng cho các điểm ảnh. Chính vì vậy họ phải tái cấu trúc mỗi điểm ảnh cho nó thoát sáng tốt hơn, giúp đèn nền giảm 30% năng lượng tiêu thụ mà độ sáng không bị suy giảm.
Về vấn đề sử dụng màn hình, có một điều Apple không nhắc đến là tỷ lệ của MacBook 12" đã quay về với 16:10 chứ không còn 16:9 như Macbook Air 11". Đây là một thay đổi đáng hoan nghênh vì nó giúp cho chúng ta sử dụng dễ dàng hơn, diện tích sử dụng thực tế tăng lên đáng kể so với máy 11" và gần đạt đến 13". Tuy nhiên, với việc dùng độ phân giải 2304x1440 thì khi ở chế độ HiDPI tối ưu hóa nhất cho hiển thị, hình ảnh sắc nét nhất thì độ phân giải mà chúng ta làm việc sẽ rơi vào 1152x720, khá là nhỏ. Để khắc phục thì bạn có thể kích hoạt HiDPI lên 1440x900, 1280x800 hoặc 1024x640 nhưng khi này thì máy tính sẽ phải xử lý rất, rất nhiều và nóng hơn, tốn pin hơn.
Việc xử lý độ phân giải kinh khủng như vậy, kèm theo HiDPI yêu cầu năng lực xử lý rất lớn của card đồ họa, đây là vấn đề mình thật sự lo ngại khi mua MacBook 12". Ngay cả các máy MacBook Pro lớn như 15" có card đồ họa rời khi kích hoạt HiDPI đôi khi còn không thật sự mượt mà thì việc đẩy 2304x1440 vào MacBook 12" dùng Intel Core M là khá mạo hiểm. Chúng ta sẽ phải chờ để biết năng lực xử lý thật sự của máy.
CPU và GPU:
Tiếp tục câu chuyện chip đồ họa ở trên, MacBook 12” sử dụng chip Intel HD 5300, con chip hỗ trợ một màn hình 4K của máy cộng thêm một màn hình bên ngoài nữa. Nghe thì có vẻ mạnh, nhưng HD5300 là con chip trung bình của Intel, nó tập trung vào tiết kiệm pin hơn là năng lực xử lý đồ họa. Một số thử nghiệm sơ bộ cho thấy HD5300 có hiệu năng tương tự HD4200 ngày trước nhưng tiết kiệm năng lượng hơn nhiều.
Trước khi nói tiếp về HD5300, chúng ta hãy chuyển sang CPU. CPU trên MacBook 12” không được Apple định danh rõ ràng ở thời điểm này, nó chỉ được ghi là Intel Core M, cấu hình cơ bản chạy ở xung nhịp 1.1GHz, Turbo Boost lên 2.4Ghz, bản cao hơn là 1.2GHz và Turbo Boost lên 2.6GHz. Ngoài ra, Apple còn cho tùy chọn thêm một phiên bản khác là 1.3GHz Turbo Boost lên 2.9. Và mọi chuyện bắt đầu rắc rối tại đây.Do Apple không công bố, chúng ta buộc phải lên website của Intel để tìm hiểu, và trong tất cả các cấu hình Core M của Intel bạn không thể nào tìm ra một cặp kết hợp nào như của Apple. Hai con chip gần giống nhất là Core M-5Y51 1.1GHz Turbo Boost 2.6GHz (Apple là 1.1 và 2.4) và Core M-5Y71 1.2GHz Turbo Boost 2.9GHz (Apple là 1.2 và 2.6GHz). Con chip cao nhất của Apple còn quái hơn, nó có xung nhịp 1.3GHz chẳng hề xuất hiện trong một cấu hình Core M nào. Từ những thông tin này có thể thấy Intel đã tiếp tục đưa ra một lô chip xử lý riêng cho Apple hoặc họ giới hạn xung nhịp lại theo yêu cầu của hãng. Thực chất thì việc Intel tùy biến theo yêu cầu của Apple không phải là không có tiền lệ, trước đó hai hãng từng làm hành động tương tự với chiếc MacBook Air cũ. Cần lưu ý là Intel cho phép chỉnh TDP lên 6W để đạt được xung nhịp tối đa 1.3GHz cơ bản đối với 5Y51 và 1.4GHz với 5Y71. TDP cơ bản của 2 con chip này là 4.5W, Apple công bố là 5W, có lẽ đã có sự can thiệp ở đây.
Và vì mù mờ về CPU, chúng ta tiếp tục mù mờ về GPU. Tất cả Intel HD5300 đều có 24 đơn vị xử lý (EU -Execution Unit) nhưng một vài con có xung GPU cơ bản thấp hơn, chỉ 100MHz so với 300MHz của 5Y51 và 5Y71. Đây là những thông số mà chúng ta cần phải chờ để có thông tin chính xác hơn. Được biết một con chip 5Y51 hoặc 5Y71 có giá bán khoảng 281$ cho phiên bản tray, không hộp.
Các bạn có thể tham khảo thêm về Intel Core M
Bo mạch chủ:
Con chip Intel Core M bên trong MacBook 12” được chế tạo trên tiến trình 14nm, nó tiết kiệm pin hơn đáng kể và là con chip tất cả trong một SoC. Là con chip SoC nên diện tích nhỏ hơn, và Apple thậm chí còn loại bỏ luôn quạt tản nhiệt trên MacBook 12”, thông qua đó bỏ luôn cả lỗ tản nhiệt thường hay nằm dưới đáy máy ở các sản phẩm trước kia, đồng thời loại bỏ luôn rất nhiều diện tích thừa trên bo mạch chủ.
Pin:
Như đã nói, trên MacBook 12” mới thì Apple không còn sử dụng pin khối lớn nữa mà chuyển thành pin dạng xếp lớp. Apple dùng một camera tốc độ cao chụp hình chi tiết lại từng khu vực nhỏ bên trong khung máy, sau đó dùng kính hiển vi xem xét, đo đạc từng chỗ một nhằm nhét được pin nhiều nhất có thể trong quá trình thiết kế. Đó chính là lý do pin của MacBook 12” có dung lượng nhiều hơn khoảng 35% so với các máy tính có cùng kích cỡ, đạt 39.7Wh, thậm chí còn cao hơn cả MacBook Air 11” vốn dày hơn và lớn hơn khá nhiều.
Kết hợp pin và Intel Core M, Apple công bố pin của MacBook 12” dùng được 9 tiếng khi lướt web và 10 tiếng khi xem phim mua bằng iTunes.
Theo Apple, một chiếc MacBook 12” khi sử dụng với nhu cầu thông thường sẽ chỉ tốn khoảng 10.1kWh mỗi năm. Nếu tính trên giá điện mới tăng của EVN ở Việt Nam cho hộ gia đình thì nó sẽ rơi vào tầm chưa tới 15 ngàn tiền điện mỗi năm…USB-C
Apple MacBook 12” chỉ có một cổng duy nhất là USB-C, điều đó thì nhiều người biết nhưng khi nghe thì rất nhiều người không thể hình dung được nó đóng luôn vai trò sạc pin cho máy. Sạc pin ở đây tức là chúng ta sẽ không còn MagSafe nữa và khi sạc pin thì không thể kết nối thêm bất cứ phụ kiện nào. Do vậy, việc phải mua thêm một phụ kiện giá 79$ của Apple có thêm một cổng USB-C để sạc, một cổng HDMI và USB 3 kiểu truyền thống gần như là bắt buộc.Với việc sử dụng USB-C thì Apple cũng đồng thời trang bị cục sạc mới, cục sạc này theo kiểu sạc iPad, tức cáp có thể tháo rời được. Cáp cắm vào cục sạc là cáp USB-C, cáp cắm vào máy tính để sạc cũng là USB-C, tức rất có khả năng trong tương lai Apple sẽ chuyển sang USB-C toàn bộ, kể cả iPhone. Hiện tại thì sạc MacBook 12” là sạc 29W, sạc iPad là 12W còn sạc MacBook Air là 45W.
Nếu không có nhu cầu vừa sạc vừa xài USB thì các bạn chỉ cần mua một sợi chuyển đổi USB-C sang USB cũ với giá 19$. Hiện tại vẫn chưa có cáp USB-C sang Lightning.
Nhiều khả năng các cáp và đầu chuyển Thunderbolt hiện tại sẽ không tương thích với USB-C mà phải chờ tới Thunderbolt 3.
Bàn phím và bàn di chuột
Thông thường, các bàn phím mà chúng ta hay sử dụng được thiết kế theo kiểu kéo, tức là 2 khung rời sẽ bắt chéo vào nhau. Điều này làm cho bàn phím sẽ bị lắc trừ khi chúng ta bấm thật sự chính xác vào trung tâm của phím. Trên MacBook 12” thì Apple dùng một cơ chế mới gọi là cơ chế “cơ khí kiểu bướm”, thay vì bắt chéo vào nhau thì hai khấc nối sẽ chạm chân vào nhau tạo thành một thành phần duy nhất. Theo Apple thì cơ chế này tiên tiến và phù hợp hơn với các máy có bàn phím nông như MacBook 12”, các bạn có thể xem hình để dễ hình dung hơn.
Không chỉ thay đổi cơ chế mà bàn phím mới còn được thiết kế lại để mỏng hơn 40% và đặc biệt là diện tích mỗi phím lớn hơn 17% so với trước kia. Diện tích phím lớn sẽ giảm tỷ lệ sai sót và có vẻ như các phím sẽ cong hơn một chút. Ngoài ra, thay vì trang bị dải đèn LED như trước kia thì Apple trang bị đèn LED dưới từng phím một, tiết kiệm diện tích và cho ánh sáng tập trung hơn.
Phần các ống từ chính là taptic engine
Chưa dừng lại ở đó, bàn di chuột này còn có thêm tính năng cảm nhận lực nhấn của người dùng. Bạn có thể thêm các thao tác nhấn mạnh hay nhấn yếu để thực hiện những mệnh lệnh tương ứng. Bàn di này đồng thời nhận được ngón tay nào đang tương tác để thay đổi mức nhận lực tương ứng.
Theo Apple thì lần này, trackpad nhận lực tốt hơn, bạn có thể vẽ dễ dàng hơn mà ít bị đứt nét như các trackpad hiện tại, kể cả của Apple. Có lẽ chúng ta sẽ phải thử tính năng này kỹ hơn.
Tinh Tế
0 nhận xét:
Đăng nhận xét